Thái Nguyên là một tỉnh có khá nhiều địa điểm du lịch nổi bật, vô số những thắng cảnh đẹp và các kiến trúc di tích nghệ thuật đặc sắc. Du lịch Thái Nguyên là một lựa chọn hợp lý cho những ai muốn tìm một địa điểm gần Hà Nội.
Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Thái Nguyên” từ A đến Z đã được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.
Nội Dung Chính
Tổng quan về Thái Nguyên
Thái Nguyên là một tỉnh nằm ở Đông Bắc của Việt Nam, cách trung tâm Hà Nội 75 km, có diện tích 3.562,82 km2.
- Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn,
- Phía tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang,
- Phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang
- -Phía nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội.
Từ lâu, người ta đã biết mảnh đất Thái Nguyên gắn liền với “chè” và người ta vẫn có câu: “Chè Thái, gái Tuyên”.
Thái Nguyên có khí hậu cận nhiệt đới ẩm chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5.
Lịch sử hình thành Thái Nguyên
Xưa kia, Thái Nguyên thuộc bộ Vũ Định, là một trong 15 bộ thuộc nước Văn Lang ở nước ta. Vào thế kỉ thứ III, Thái Nguyên nằm trong huyện Vũ Định và sau đó được đổi tên thành huyện Long Bình, đến thế kỉ VII được gọi là huyện Vũ Bình rồi thành Châu Thái Nguyên dưới thời Lý. Cuối thế kỉ 14, châu được đổi thành trấn rồi lại đổi thành châu năm 1407, đến năm 1677 lại đổi lại thành trấn.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (ngày mùng 1 tháng 10 âm lịch, tức ngày 4 tháng 11 năm 1831), tỉnh Thái Nguyên được thành lập.
Từ năm 1956 đến 1975, Thái Nguyên là một tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc, sáp nhập huyện Phổ Yên về tỉnh Vĩnh Phúc và huyện này được cắt, trả cho Thái Nguyên. Năm 1890, Pháp chia tỉnh Thái Nguyên thời nhà Nguyễn thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Năm 1965, chính quyền Việt Nam đã sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Năm 1997, tỉnh Bắc Thái lại được tách ra thành tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn như ngày nay.
Nên du lịch Thái Nguyên vào thời gian nào?
Bạn có thể đi du lịch Thái Nguyên vào bất cứ thời điểm nào trong năm, thế nhưng mùa xuân và mùa hè là thời điểm thích hợp nhất.
- Vào mùa xuân, Thái Nguyên có rất nhiều các lễ hội đặc sắc được tổ chức như: lễ hội đền Đuổm, Lồng Tồng, Hội Hích, hội Chùa Hang, hội Núi Văn – Núi Võ,… Đây là cơ hội cho bạn tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa ở mảnh đất này.
- Vào mùa hè, các bạn sẽ được thả mình trong những dòng suối mát lạnh hay chụp ảnh bên những đồi chè xanh mướt.
Du lịch Thái Nguyên – phương tiện di chuyển
Có rất nhiều cách di chuyển từ Hà Nội đến Thái Nguyên, các bạn có thể sử dụng xe máy, hay đi tàu hỏa hoặc bắt xe khách nhé.
Di chuyển bằng xe máy
Thái Nguyên cách sân bay Nội Bài khoảng 50 km. Xuất phát từ nội thành Hà Nội các bạn di chuyển theo hướng cầu Nhật Tân, sau đó vào quốc lộ 3 và đi thẳng theo quốc lộ 3 là đến được thành phố Thái Nguyên.
Di chuyển bằng tàu hỏa
Tại ga Hà Nội có một chuyến tàu duy nhất xuất phát đi Thái Nguyên lúc 16h20 đó là tàu QT1. Các bạn sẽ mất khoảng 2 tiếng để đến được ga Thái Nguyên.
Di chuyển bằng xe khách
Ở Hà Nội có rất nhiều chuyến xe di chuyển đến Yên Bái xuất phát từ bến xe Mỹ Đình. Dưới đây là những xe khách di chuyển đến Thái Nguyên, thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Tân Đạt
- Lịch trình: Hà Nội – Thái Nguyên
- Giờ xuất bến: Mỹ Đình (Từ 5h45 đến 18h00); Thái Nguyên (Từ 5h50 đến 18h50)
- Điện thoại: 024 3856 7567 – 024 6292 7567 – 024 6296 7567 – 0937 688 567
Việt Anh
- Lịch trình: Hà Nội – Thái Nguyên
- Giờ xuất bến: Thái Nguyên 5h30; Mỹ Đình 7h10
- Điện thoại: 0208 385 7596 – 0948 956 888 – 0949 922 999
Trường Đạt
- Lịch trình: Bến xe Nam Thăng Long – Thái Nguyên
- Giờ xuất bến: 11h20 – 15h20 – 17h20
- Điện thoại: 0934 348 389
Thanh Thủy
- Lịch trình: Bến xe Nam Thăng Long – Thái Nguyên
- Giờ xuất bến: 11h20 – 15h20 – 17h20
- Điện thoại: 0934 348 389
Vũ Hoàng
- Lịch trình: Hà Nội – Thái Nguyên
- Giờ xuất bến: 14h50
- Điện thoại: 0988 084926 – 0988 084926 – 0988 084926
An Bình
- Lịch trình: Bến xe Mỹ đình – Bx Nam Thăng Long – Nội bài – KCN Sam Sung Phổ Yên – Sông Công – Ngã ba Đường Chánh – Tân Long – Quán Triều – Ngã ba Mỏ Bạch – Bx Thái Nguyên
- Điện thoại: 0965 225 352 – 0982 459 554
Các địa điểm du lịch Thái Nguyên
Hồ Núi Cốc
Hồ Núi Cốc nằm ở phía nam huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo, được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Thái Nguyên. Hồ Núi Cốc được tạo nên bởi 1 đoạn của sông Công, là một trong các nhánh của sông Cầu. Hồ có diện tích bề mặt là 25 km2 với độ sâu là 35 m.
Hồ Núi Cốc có các hệ thống hang động nhân tạo, các bạn có thể đi thuyền để khám phá vẻ đẹp của từng hang động. Những hang động nhân tạo đều gắn liền với những câu chuyện huyền thoại như động Âm Phủ, Thủy Cung, Huyền Thoại Cung, Động Ba Cây Thông,…
Ngoài ra, bạn còn được tham quan các công trình xây dựng quanh hồ như Chùa Thác Vàng, hay thử sức với các trò chơi giải trí như: Tàu lượn siêu tốc, Thuyền rồng, Đĩa bay, Đạp vịt, trò chơi Trượt máng,…
Đến với Hồ Núi Cốc không thể không nhắc đến huyền thoại về chuyện tình nàng Công và chàng Cốc. Chuyện kể rằng:
“Ngày xưa có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang này có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động.
Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm cốt để hại chàng. Với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Phần chàng Cốc, chàng về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến. Thương nhớ chàng Cốc, nàng Công khóc ròng rã, rồi thân thể nàng cũng tan ra thành nước.
Ngọn núi Cốc bây giờ là hiện thân của chàng trai năm xưa, còn người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu. Người ta bảo, mỗi lần lũ lên là mỗi lần nàng Công cố vươn mình để được gần chàng Cốc hơn”.
Đồi chè Tân Cương
Đồi chè Tân Cương thuộc xã Tân Cương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 10 km. Nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm chè thơm ngon và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn với những đồi chè xanh ngắt.
Bạn không chỉ được thưởng thức hương thơm của đồi chè mà còn được tận tay hái chè và mang về nơi chế biến. Chỉ có như vậy, chúng ta mới cảm nhận được cái gian khổ của người lao động từ những búp chè tươi và vị đắng chát của chúng.
Suối Cửa Tử
Cửa Tử nằm ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 45 km. Xã Hoàng Nông thuộc vùng núi Tam Đảo, tiếp giáp với đỉnh cao nhất của dãy núi cao 1.590m.
Xã là ngã 3 ranh rới của 3 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang. Một dòng suối chảy từ Tam Đảo xuống đổ vào sông Công, đó chính là Cửa Tử.
Cửa Tử là một con suối hấp dẫn, thu hút các bạn trẻ đến khám phá bởi sự hoang sơ của dòng suối. Người ta gọi là Cửa Tử vì ở đây chỉ có duy nhất một lối đi lên, xuống.
Để vào suối Cửa Tử, chỉ có một con đường duy nhất là men theo bờ suối. Đoạn đầu tương đối dễ đi, nhưng có nhiều đoạn bạn sẽ phải ngâm mình dưới dòng suối sâu 1,5m, lạnh đến 15- 20 độ. Ở đây có rất nhiều những tảng đá to chắn đường, bạn phải leo qua những bậc thang do người dân địa phương tự chế thì mới có thể đi qua đc.
Càng đi sâu vào trong, không gian càng âm u, không khí lạnh lẽo với tiếng nước chảy róc rách.
Đến với Cửa Tử, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh hoang sơ của núi rừng Tam Đảo, tận hưởng không khí trong lành, mát rượi. Đây là lí do mà Cửa Tử đang trở thành địa điểm thu hút khách tìm đến.
Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam nằm trung tâm thành phố Thái Nguyên. Bảo tàng được thành lập năm 1960, thời kỳ đầu mang tên Bảo tàng Việt Bắc. Bảo tàng có gần 30.000 tài liệu hiện vật có giá trị được trưng bày trong nhà, ngoài trời, phục vụ du khách tham quan trong nước và quốc tế.
Bảo tàng có gian long trọng được đặt tại sảnh A và 5 phòng trưng bày:
- Phòng số 1: Trưng bày và giới thiệu về văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt). Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao.
- Phòng số 2: Trưng bày và giới thiệu các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y).
- Phòng số 3: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao (Hmông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La).
- Phòng số 4: Trưng bày giới thiệu văn hoá 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng, Xtiêng).
- Phòng số 5: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu).
Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa
Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa thuộc các xã Phú Đình, Thanh Định, Điềm Mặc, Định Biên, Đồng Thịnh, Bảo Linh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Khu di tích lịch sử ATK là nơi ở và nơi làm việc, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
Khu di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 1981.
Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa gồm 13 di tích thành phần:
- Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa)
- Địa điểm thành lập Việt Nam Giải phóng quân (xã Định Biên, huyện Định Hóa)
- Địa điểm Bác ở và làm việc tại đồi Khau Tý năm 1947 (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa)
- Địa điểm Bác ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo (1948 – 1954), xã Phú Đình, huyện Định Hóa
- Cụm di tích Bác ở Khuôn Tát: Cây đa, Đoạn suối Khuôn Tát – nơi Bác tắm, giặt và câu cá, Nhà sàn và hầm Bác ở đồi Nà Đình (xã Phú Đình, huyện Định Hóa)
- Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Phụng Hiển (1947 – 1949), xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa
- Địa điểm Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 – 1954) tại xã Bảo Linh, huyện Định Hóa.
- Thắng cảnh thác Khuôn Tát (xã Phú Bình, huyện Định Hóa).
- Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa).
- Địa điểm thành lập Ủy ban hòa bình Việt Nam (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa).
- Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa).
- Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu (20/10/1950) xã Định Biên, huyện Định Hóa.
- Địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948).
Chùa Hang
Chùa Hang nằm ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chùa Hang còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”, cách trung tâm Tp Thái Nguyên khoảng 2km.
Chùa nằm trong lòng ba ngọn núi lớn, phía trước là dòng sông Cầu uốn lượn. Hai bên là hai ngọn Thanh Long – Bạch Hổ, ở giữa là Huyền Vũ vươn cao, uy nghi.
Vào sâu trong chùa Hang càng rộng, bên trên là những nhũ đá rũ xuống, dưới nên có nhiều cột đá vươn cao, sừng sững. Bên trên vách đá vẫn còn lưu giữ câu đối cổ bằng chữ Hán:
“Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất
Danh lam nhân tạo thị vô song”.
Tạm dịch:
“Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất
Danh lam do con người tạo cũng không gì sánh được”.
Động Linh Sơn
Động Linh Sơn thuộc xóm Núi Hột, xã linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 6km về phía Đông.
Diện tích hai hang rộng khoảng 600 m vuông, có thể chứa được hàng ngàn người. Động gồm hai hang đá tự nhiên, đó là: Hang Thiên và Hang Địa.
Hang Thiên có diện tích 360m2, hang có các bệ thờ Phật bằng đá, nhũ đá. Ở cuối hang Thiên còn có đường lên đỉnh núi Hột. Hang Địa có diện tích là 500m2, thiên nhiên kì thú với những nhũ đá mang hình dáng đặc biệt.
Ở cửa động trên vách đá có tấm bia cổ “Trùng tu Linh Sơn động” bằng chữ Hán với nội dung ghi lại những việc đóng góp công đức tu sửa chùa trong động Linh Sơn dưới thời Lê.
Đền Đuổm – Núi Đuổm
Núi Đuổm nằm ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, được xây dựng từ Thế kỉ 12. Ngôi đền thờ Dương Tự Minh (Thánh Đuổm), đền cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 25km về phía Bắc.
Đền được xây dựng theo kiến trúc cổ kiểu tam cấp gồm: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Núi Đuổm nằm gần quốc lộ 3 được sách Đại Nam Nhất Thống Chí xếp Điểm Sơn là danh thắng của đất Thái Nguyên. Núi Đuổm với sáu ngọn núi đá tựa sáu đầu rồng, các vách đá thẳng đứng, cổ kính, rêu phong.
Lưu trú khi du lịch Thái Nguyên
Tổng hợp các nhà nghỉ, khách sạn ở Thái Nguyên, các bạn có thể tham khảo cho chuyến du lịch Thái Nguyên của mình.
Homestay Nam My Van
- Địa chỉ: Phú Xá, Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên
- Điện thoại: 094 182 62 62
Khách sạn Quỳnh Vy
- Địa chỉ: Phan Đình Phùng, Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên
- Điện thoại: 094 182 62 62
Sunny House Resort
- Địa chỉ: 168 Tân Quang, Tp Thái Nguyên, Thái Nguyên
- Điện thoại: 0208 3737 288
Khách sạn Kim Thái
- Địa chỉ: 3 Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Tp Thái Nguyên, Thái Nguyên
- Điện thoại: 0208 3933 566
Cửa Tử Homestay
- Địa chỉ: Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
- Điện thoại: 0165 379 7336
Homestay Vĩnh Lộc
- Địa chỉ: Phú Thịnh, Thuận Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên
- Điện thoại: 0989 666 414 – 0983 052 705
Các đặc sản ở Thái Nguyên
Chè Tân Cương
Thái Nguyên là địa danh nổi tiếng với đặc sản chè, chè Tân Cương được tôn vinh là “đệ nhất chè”. Chè Tân Cương có màu xanh đen, nước chè trong và xanh, vàng nhạt. Trà Tân Cương chủ yếu vẫn được chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống.
Vào năm 2011, trà Tân Cương đã có mặt tại Festival trà Quốc tế được tổ chức tại Thái Nguyên.
Miến Việt Cường
Nghề làm miến ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Miến Việt Cường đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Người dân thường làm nhiều vào cuối năm, gần dịp Tết, nguyên liệu chính chủ yếu là dong. Dong được người dân đặt mua ở trên Bắc Kạn đó là Dong riềng tía.
Miến được chia làm 2 loại đó là miến trắng và miến tráng mộc. Miến tráng mộc có giá cao hơn miến trắng vì miến tráng mộc làm khó hơn, đòi hỏi người làm phải có kĩ thuật. Miến trắng chủ yếu được mọi người đặt để làm quà vì loại miến này có hình thức đẹp hơn miến tráng mộc.
Tương nếp Úc Kỳ
Tương nếp đã có từ lâu đời ở xã Úc Kỳ, mỗi gia đình ở đây đều có ít nhất 1 chum tương để ăn và làm quà biếu khách. Tương nếp được làm từ 3 nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ tương và muối trắng.
Quá trình làm tương cũng rất cung phu, tương ngon được làm từ gạo nếp Thầu dầu được nấu chín lên, sau đó đem trải ra nia phơi, đảo qua đảo lại trong vòng 3 ngày rồi ủ để lên men.
Đỗ tương đem rang rồi xay vỡ, cho vào chum ngâm nước muối từ 12 đến 15 ngày, sau đó cho mốc vào ủ khoảng 30 ngày là được. Trong thời gian ủ, cần phải kiểm tra thường xuyên để cho đỗ, mốc hòa quyện với nhau và dùng giấy bóng bịt kín để tương giữ mùi thơm.
Hy vọng, với bài “Kinh nghiệm – Cẩm nang du lịch Thái Nguyên” sẽ giúp ích trong hành trình khám phá Thái Nguyên của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến đi thuận lợi và nhiều vui vẻ nhé!