Nhắc đến Bắc Ninh, người ta nghĩ đến ngay mảnh đất của miền dân ca quan họ trữ tình, ngọt ngào. Không những thế Bắc Ninh còn là một vùng đất cổ với nền văn hóa đặc sắc, với những danh lam thắng cảnh và di tích cổ xưa.

Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh” từ A đến Z đã được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.

Tổng quan về Bắc Ninh

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam cách trung tâm Hà Nội 30 km.

  • Phía tây và tây nam giáp thủ đô Hà Nội,
  • Phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang,
  • Phía đông và đông nam giáp tỉnh Hải Dương,
  • Phía nam giáp tỉnh Hưng Yên.

Bắc Ninh là trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Nói đến Bắc Ninh, người ta thường hay nghĩ đến những câu dân ca quan họ đã ăn sâu và trong tiềm thức của bao thế hệ người con đất Việt.

Bắc Ninh là một trong những tỉnh có rất nhiều lễ hội, trong đó phải kể đến một số lễ hội lớn như: hội chùa Dâu, Hội Lim, hội đền Đô, hội đền Bà Chúa Kho.

“Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”, hiếu khách, sáng tạo, khéo léo với hàng trăm nghề thủ công truyền thống vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, tranh vẽ dân gian.

Nên đi du lịch Bắc Ninh vào thời gian nào?

Bắc Ninh khá gần Hà Nội nên thời tiết tương đối ổn định, các bạn có thể đi du lịch vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng thời gian lý tưởng nhất để bạn có thể du lịch Bắc Ninh là vào các thời gian sau:

  • Tháng 1 – 3: Thời điểm này, Bắc Ninh diễn ra các lễ hội xuân, rất đông khách du lịch đổ về Bắc Ninh để tham gia các lễ hội đặc sắc như: Hội Đình Bảng, Hội Chùa Dâu, Hội Lim,…
  • Tháng 4 – 5: Thời tiết Bắc Ninh lúc này khô ráo, thuận lợi cho việc khám phá, tham quan các di tích hay làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh
  • Tháng 11 – 12: Dọc bờ sông Đuống có một cánh đồng hoa cải rất rộng, các bạn có thể đến đây chụp hình, tham quan nhé.

Du lịch Bắc Ninh – phương tiện di chuyển

Từ Hà Nội – tp. Bắc Ninh

Do nằm cách Hà Nội khoảng 40 km nên bạn có thể đến Bắc Ninh bằng bất cứ phương tiện nào.

  • Du lịch Bắc Ninh bằng xe máy: Đây là phương tiện phổ biến, thuận tiện  và nhanh chóng. Bạn nhớ mang theo giấy tờ đầy đủ và chấp hành đúng luật giao thông nhé.
  • Du lịch Bắc Ninh bằng xe bus: Các bạn có thể bắt xe bus về Bắc Ninh tại Trung chuyển long Biên, có xe 54 và 203 là về đến thành phố Bắc Ninh với giá 9.000đ/lượt.

Ngoài ra, bạn còn có thể đến Bắc Ninh bằng xe khách và tàu hỏa nữa nhé.

Từ tp. Bắc Ninh – Các địa điểm du lịch

Để di chuyển tới các địa điểm du lịch các bạn có thể đi bằng taxi hoặc xe bus, ở Bắc Ninh hiện nay có rất nhiều các tuyến bus dừng đỗ trước các địa điểm du lịch nên bạn có thể dễ dàng di chuyển trong hành trình du lịch Bắc Ninh của mình.

Các địa điểm du lịch Bắc Ninh

Hội Lim Bắc Ninh

“Ba năm hai cái hội chùa,

Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.

Già già, trẻ trẻ, gái trai,

Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.

Hội Lim ai thấy chẳng thèm,

Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.

Đồn sắp có dệt cửi thi,

Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon”.

Hội Lim là một lễ hội lớn ở Bắc Ninh, hàng năm được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây được coi là một nét văn hóa lâu đời và đặc trưng cho vùng Kinh Bắc xưa.

Hội Lim là một nét sinh hoạt văn hoá – nghệ thuật đặc sắc của xứ Kinh Bắc xưa và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt Nam, đây chính là tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.

Hội Lim là một lễ hội lớn, hội tụ đầy đủ các tín ngưỡng tâm linh, các hoạt động văn hóa nghệ thuật của các lễ hội ở mảnh đất Kinh Bắc.

Đình Bảng

Đình Bảng là một ngôi đình nằm ở  làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đình được xây dựng từ năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, đây là ngôi đình cổ xưa nổi tiếng nhất ở Bắc Ninh.

 du lịch Bắc Ninh

Bên trong chính điện là một bức cửa võng lớn, được trang trí  với các chữ triện, các con vật như rồng, phượng, ngựa, sư tử, mây, các cây trong bộ tứ quý. Phía trên của bức cửa võng là trần gỗ che kín mái gian giữa được trang trí bằng một con chim phượng xoè rộng cánh.

Đến nay, Đình Bảng vẫn giữ được nét cổ kính, mang đậm dấu ấn xưa. Nếu có cơ hội du lịch Bắc Ninh, bạn đừng bỏ qua địa điểm này nhé.

Chùa Phật tích

Chùa Phật Tích còn có tên gọi khác là chùa Vạn Phúc. Chùa được tọa lạc ở sườn núi Lạn Kha thuộc xã Phật Tích – huyện Tiên Du – tỉnh Bắc Ninh.

du lịch Bắc Ninh

Chùa mang đậm kiến trúc cổ của thời Lý,  thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60 m, rộng khoảng 33 m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật. Đây là địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng được rất nhiều du khách ghé thăm hàng năm.

Lễ hội chính của chùa Phật Tích diễn ra vào dịp tết nguyên đán đầu năm, lễ hội kéo dài trong 3 ngày từ mùng 3 – 5, trong đó ngày chính hội là vào mùng 4.

Trong những ngày diễn ra lễ hội thường xuyên diễn ra các chương trình biểu diễn dân ca quan họ trên thuyền, giao lưu nghệ thuật trên quảng trường Đại phật tượng, các trò chơi dân gian truyền thống.

Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho nằm tại lưng chừng ngọn núi Kho, khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Đền thờ là nơi tưởng niệm về một người phụ nữ đất Việt đã có công sản xuất, tích trữ lương thực và trông coi kho tàng quốc gia trong suốt thời kỳ chiến thắng Như Nguyệt.

 du lịch Bắc Ninh

Các du khách thập phương đến đền, chùa chủ yếu là cầu an, cầu lộc. Nhưng đền Bà Chúa Kho thì đặc biệt linh ứng với khấn cầu về tiền tài, vốn liếng. Những người làm kinh doanh thường tới đây để “vay vốn” Bà Chúa Kho. Bởi họ tin rằng vốn kinh doanh được vay từ đền Bà Chúa Kho sẽ nhanh sinh lợi, đem lại sự giàu có.

Nghi thức “vay vốn” cần được thực hiện một cách nghiêm túc bằng việc ghi vào các tờ sớ. Người đến vay phải ghi rõ là vay bao nhiêu và hứa trả lại đền bao nhiêu nếu sinh lời.

Mọi người truyền tai nhau một câu rằng: “Trường hợp hứa trả đền nhưng không làm do vô tình hoặc cố ý đều dẫn tới thua lỗ trong làm ăn”. Do đó, dù là tâm linh nhưng vẫn phải có vay – trả sòng phẳng như trên trần thực.

Chính hội của đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh là ngày 14 tháng Giêng hàng năm. Rất nhiều du khách đã kéo về đây không ngớt.

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ là nằm trên bờ sông Đuống cách Hà Nội khoảng 25km, còn được gọi chùa Nhạn Tháp vì thỉnh thoảng có những chú chim nhạn bay về đậu trên đỉnh tháp.

du lịch Bắc Ninh

Chùa Bút Tháp tọa lạc ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – Vua Tự Đức đặt tên là chùa Bút Tháp vì tháp Báo Nghiêm trông tựa cây bút lông.

Chùa Bút Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Quần thể kiến trúc của chùa như một ốc đảo điểm xuyết cây xanh, nổi bật giữa cánh đồng lúa mênh mông.

Ngôi chùa quay về hướng Nam là hướng của trí tuệ, bát nhã trong triết lý nhà Phật. Các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm.

Chùa Bút Tháp có tượng Phật nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam do Trương Thọ Nam tạc và hoàn thành vào năm 1656, thời Hậu Lê. Pho tượng này đã được Thủ tướng công nhận là 1 trong 30 bảo vật của quốc gia năm 2012. Tượng phật được đặt trên tòa sen Rồng đội với dáng hành đạo, thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ, đằng sau là vầng hào quang tỏa sáng, bên dưới là những hình trang trí sóng nước sống động như một thủy cung.

Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức đều đặn hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch tại chùa Bút Tháp – Bắc Ninh. Với các hoạt động đa dạng và đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chùa Dâu

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.”

Ngôi chùa thuộc địa phận xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tp. Bắc Ninh khoảng 22km về hướng Nam, cách Thủ đô Hà Nội 25km theo hướng Đông.

 du lịch Bắc Ninh

Ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Có 4 dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh 3 ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện.

Nét kiến trúc đặc sắc nhất của chùa Dâu là “tòa tháp Hòa Phong” nằm ở khoảng sân chùa. Tháp xây bằng gạch nung già, trước kia tháp có 9 tầng nhưng nay chỉ còn ba tầng dưới. Mặt trước tầng hai có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”.

Lễ hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi.

Lễ hội có nhiều nghi thức sinh hoạt dân gian và nhiều trò diễn xướng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương, tín đồ, tăng, ni phật tử đến cúng lễ, dâng hương, dự hội.

Làng tranh Đông Hồ

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có sông tắm mát có nghề làm tranh.”

Làng tranh Đông Hồ nằm bên bờ sông Ðuống, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng tranh nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 16km.

 du lịch Bắc Ninh

Đến với làng tranh Đông Hồ, du khách như lạc vào khung cảnh của cái Tết cổ truyền xưa, mọi cảnh tượng sinh hoạt thời xưa ấy đều được khắc vào những bức tranh Đông Hồ vô cùng độc đáo, sống động.

Trong các gian nhà xây theo kiến trúc xưa được treo đầy tranh dân gian với nhiều thể loại khác nhau, từ sinh hoạt đời thường tới tranh lịch sử, phong cảnh,… ngập tràn màu sắc tươi trong.

Tại đây, du khách còn được nghe giới thiệu về những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và có thể trải nghiệm tự tay in tranh cũng như mua sắm những bức tranh ưng ý.

Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh không chỉ là điểm tham quan dành cho những du khách đến tìm hiểu về tranh mà nơi đây còn có những lễ hội hấp dẫn như: rằm tháng Ba âm lịch, thi tranh, thi mã, ngày hội tế thần…

Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm nổi tiếng miền Bắc thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

 du lịch Bắc Ninh

Ở trên sân nhà, bờ ruộng dọc các lối đi của làng, toàn là sản phẩm của nghề gốm với những tiểu, quách, chậu cảnh, bình gốm, chum, vại được xếp hàng tầng tầng lớp lớp. Cái còn ướt đỏ màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò nung lên nước bóng loáng.

Làng gốm Phù Lãng là một làng nghề truyền thống lâu đời, sản xuất gốm với các sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng cao và có những nét đặc sắc riêng. Làng gốm hiện nay đang là một làng gốm nổi tiếng và là một địa danh du lịch hấp dẫn.

Chùa Dạm

“Ai về thăm đất quê em

Mà lên núi Dạm xem tiên đánh cờ”.

Chùa Dạm tọa lạc tại núi Đại Lãm thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Ngôi chùa đã từng được mệnh danh là đại danh lam thắng cảnh thời nhà Lý.

Nét đặc sắc của chùa Dạm chính là cột đá được xây dựng vào thế kỉ thứ 11, được coi là hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất của nhà Lý còn tồn tại đến nay.

Lễ hội chùa Dạm được tổ chức hàng năm cứ vào ngày 7 tháng 9 (âm lịch). Lễ hội đã trở thành hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh ăn sâu trong tiềm thức của người dân địa phương. Trong 3 ngày, rất nhiều người dân và du khách thập phương nô nức về trẩy hội, thành tâm lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp của ngôi chùa cổ.

Đền Đô

Đền Đô còn được gọi là đền Lý Bát Đế tọa lạc tại xóm Thượng, xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây là một ngôi chùa linh thiêng được xây dựng bởi vua Lê Thánh Tông.

Ngôi đền thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).

 du lịch Bắc Ninh

Đền Đô được chia thành các biệt khu: đại điện, hậu cung, thủy đình, văn bia, tất cả đều được xây dựng công phu và trang trí tinh xảo. Đền Đô đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ngày 25/01/1991.

Lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm để kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn ban hành “Chiếu dời Đô”.

Ở đâu khi du lịch Bắc Ninh?

Center Hotel Bac Ninh

  • Địa chỉ: Kinh Dương Vương, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh

Le Indochina Hotel & Spa

  • Địa chỉ: Nguyễn Đăng Đạo, Phường Suối Hoa, Tp. Bắc Ninh, Bắc Ninh

Tu Son Luxury Hotel

  • Địa chỉ: Khu Vườn Hoa, Đường Lê Hồng Phong, Đông Ngàn, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Muong Thanh Luxury Bac Ninh Hotel

  • Địa chỉ: Ngô Gia Tự, Tiền An, Bắc Ninh, Việt Nam

Đặc sản khi du lịch Bắc Ninh

Bánh tro Đình Tổ

Bánh tro có vị thơm mát, ngọt ngào, hình dáng bé xinh mềm mại, một lần được thưởng thức thứ quà quê này chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi dư vị của nó.

Chỉ có tết Đoan Ngọ thì mới có dịp để thưởng thức hương vị của loại bánh này, bánh tro ăn kèm với mật mía hoặc đường càng làm cho mùi vị trở nên ngọt ngào, hấp dẫn.

du lịch Bắc Ninh

Bánh tro Đình Tổ được làm từ gạo nếp, nước tro, một ít vôi. Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Để được nước tro trong, có mùi thơm, người ta dùng nếp rơm đốt lấy tro, hòa với nước vôi để lắng nước trong, bỏ cặn.

Gạo nếp được vo sạch, ngâm trong vòng 3 – 4 giờ, với ra để ráo nước. Lá chuối hoặc lá dong hấp chín, mềm để gói bánh. Bánh tro Đình Tổ rất mềm, có vị thơm mát, ngọt ngào. Thức ăn dân dã chắc chắn sẽ làm cho bạn khó quên.

Bánh Phu Thê Đình Bảng

Bánh dù chỉ được gói bằng những tấm lá dong đơn sơ, nhưng khi bánh Phu Thê được bóc ra thì thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dưới lớp vỏ bánh trong suốt có rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh dần hiện ra.

 du lịch Bắc Ninh

Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, đem đi luộc rồi úp bụng hai chiếc bánh vào nhau, dùng lạt đỏ buộc thành cặp.

Nem làng Bùi

Nem làng Bùi được rất nhiều người ưa chuộng vì mang hương vị đúng “chuẩn” làng nghề, vừa thơm ngon, cầu kỳ, tinh tế lại vừa an toàn vệ sinh.

du lịch Bắc Ninh

Nem Bùi là đặc sản của làng Bùi Xá, huyện Thuận Thành, nghề làm nem được truyền từ đời này sang đời khác, trải qua hàng trăm năm. Người dân trong làng gọi là nem thính, tùy theo khẩu vị từng người mà nem được cuốn bằng lá sung hoặc lá đinh lăng để thưởng thức, sau đó chấm với nước mắm pha tỏi hoặc tương ớt.

Bánh tẻ làng Chờ

Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như những bánh giò mà bạn thường thấy. Bánh vừa giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, thơm của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.

 du lịch Bắc Ninh

Bánh tẻ là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ, ngày Tết và những bữa ăn quan trọng trong gia đình của mỗi người dân nơi đây.

Bánh khúc làng Diềm

Đến làng Diềm, không chỉ được thưởng thức làn điệu dân ca quan họ mà còn được nếm thử những chiếc bánh khúc mang đậm vị quê hương.

du lịch Bắc Ninh

Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và mùi thơm của hạt tiêu. Còn bánh khúc nhân hành, hành phải là hành khô, thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau.

Bánh khúc làng Diềm ăn nhiều mà cảm thấy không bị ngán, không ít người khi ăn xong còn mua thêm về làm quà và ăn dần. Bánh có thể để trong tủ lạnh trong vòng 1 tháng mà không bị hỏng, khi ăn bạn đem lên hấp lại là có thể thưởng thức mà hương vị vẫn nguyên vẹn.

Hy vọng, với bài “Kinh nghiệm – Cẩm nang du lịch Bắc Ninh” sẽ giúp ích trong hành trình khám phá Bắc Ninh của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến đi thuận lợi và nhiều vui vẻ nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here