Ghé thăm cố đô Hoa Lư – Nơi lưu lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc

Cố đô Hoa Lư cổng vào

Tuy chỉ được chọn làm kinh đô trong 42 năm ngắn ngủi nhưng Cố Đô Hoa Lư là nơi lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của cả dân tộc ta. Bởi có bề dày lịch sử vô cùng lớn lao, nơi đây là một trong những di tích lịch sử thu hút đông đúc du khách tới tham quan nhất tỉnh Ninh Bình.

Hãy cùng NếmTV đến đây khám phá và tìm hiểu điều gì tạo nên nét hấp dẫn của nơi đây nhé!

Giới thiệu về Cố Đô Hoa Lư

Với hơn 1000 năm tồn tại. Cố Đô Hoa Lư là nơi lưu trữ rất nhiều chứng nhân lịch sử qua các triều đại Việt Nam. Khu di tích hiện nay năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và hiện nay có diện tích là 13, 87km2.

Cố Đô Hoa Lư từ trên cao
Một cái nhìn toàn cảnh về Cố Đô Hoa Lư

Cố Đô Hoa Lư được xếp vào loại quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Cố đô còn được UNESCO công nhận là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An.

Hệ thống di tích ở Hoa Lư bao gồm các công trình được xây dựng trong ba triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý.

Cố Đô Hoa Lư từ ngoài vào
Cổng Cố Đô Hoa Lư

Nơi đây được chọn làm kinh đô đầu tiên của nhà nước Việt Nam và đã lưu giữ những dấu ấn quan trọng trong lịch sử như: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và giai đoạn chuẩn bị rời đô về Thăng Long – Hà Nội.

Tuy rằng Hoa Lư đã trở thành cố đô khi vua Lý Thái Tổ ra Chiếu dời đô, quyết định chọn Thăng Long làm kinh đô mới nhưng các đời vua sau này vẫn chọn đây làm nơi xây dựng nhiều công trình kiến trúc quan trọng như đền, lăng, đình, chùa, phủ, …

Thời điểm thích hợp để đến thăm Cố Đô Hoa Lư

Thời điểm đẹp nhất để đến du lịch Hoa Lư là vào dịp tháng 3 đến tháng 5 dương lịch hàng năm. Vào thời điểm này thì thời tiết ở miền Bắc khá dễ chịu, có nắng nhẹ và tương đối mát mẻ.

Ngoài ra bạn có thể chọn đi Hoa Lư vào những thời điểm sau nếu muốn kết hợp tham quan các địa điểm khác tại Ninh Bình:

  • Nếu bạn muốn kết hợp đi Tam Cốc – Bích Động thì mùa lúa chín cuối tháng 5 chính là thời điểm lí tưởng nhất.
  • Nếu bạn muốn đi hội Bái Đính thì hãy tới Hoa Lư ngay sau Tết âm lịch nhé!
  • Ngoài ra thì Cố Đô Hoa Lư còn có lễ hội truyền thống (còn được gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) được tổ chức vào ngày 8-10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Bạn hãy lưu ngay ngày tháng vào sổ tay để có thể lên kế hoạch được một hành trình khám phá Cố Đô Hoa Lư hoàn hảo nhất nhé!

Hướng dẫn đường đi Cố Đô Hoa Lư

Cố Đô Hoa Lư chỉ cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 15km. Bởi vậy bạn hoàn toàn thoải mái trong việc lựa chọn các phương tiện khác nhau để đến được nơi đây.

Nếu đi bằng ô tô riêng từ Hà Nội, bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình. Đoạn đường dài khoảng 90km sẽ chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm thành phố. Từ đây bạn chỉ cần đi theo biển chỉ dẫn dọc đường đi là có thể tới được Cố Đô Hoa Lư.

Nếu sử dụng phương tiện là xe máy và xuất phát từ Hà Nội, bạn đi theo đường QL1A cũ tới Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình – Thanh Hóa. Chú ý là tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định – Thái Bình để đỡ bị đi đường vòng nhé!

Các di tích nằm trong khuôn viên Cố Đô Hoa Lư

Các đền thờ trong Cố Đô Hoa Lư

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành

Đây là hai ngôi đền được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại vào thời Hậu Lê theo lối kiến trúc kinh đô xưa, nội công ngoại quốc. Hai ngôi đền là hai trong số những di tích quan trọng nhất của cả Cố Đô Hoa Lư.

Trước mặt đền vua Đinh là núi Mã Yên mang hình dáng của một chiếc yên ngựa. Trên núi còn có lăng mộ của vua Đinh. Ngôi đền là một đại diện cho lối kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các các nghệ nhân dân gian thế kỉ XVII.

Cố Đô Hoa Lư đền vua Đinh
Đền thờ vua Đinh

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng 3 vị hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Đế Toàn và Đinh Hạng Lang.. Ngoài ra trong khuôn viên đền còn đặt tượng thờ quốc lão Đinh Công Trứ, Thái hậu Đàm Thị (phụ mẫu Đinh Tiên Hoàng) và bài vị của 4 vị quan trung thần của nhà Đinh.

Cố Đô Hoa Lư đền thờ vua Lê
Đền thờ vua Lê Đại Hành

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 300 mét. Đền có quy mô nhỏ hơn nên không gian trong đền mang lại cảm giác gần gũi và huyền ảo hơn. Điều làm nên nét độc đáo của đền vua Lê là nghệ thuật chạm gỗ điêu luyện và tinh xảo của thế kỉ XVII.

Chính cung của đền thờ Lê Hoàn, thái hậu Dương Vân Nga và thái tử Lê Long Đĩnh. Ngoài ra, trong tòa thiêu hương có bài vị thờ Phạm Cự Lượng, người có công cùng với Dương Vân Nga đưa Lê Hoàn lên ngôi.

 | Thiêng đường sống ảo – Tuyệt tình cốc Ninh Bình

Một số đền thờ khác

Đền thờ Công chúa Phất Kim được xây dựng vào thời nhà Tiền Lê. Đền nằm gần Đền vua Lê và chùa Nhất Trụ, nơi được tương truyền là nền cũ của cung Vọng Nguyệt. Đây là một ngôi đền cổ hiếm hoi thờ phụng phụ nữa ở thế kỉ X mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, ca ngợi người phụ nữ hiền lành trung hậu.

Đền vua Lý Thái Tổ là công trình được xây dựng từ nguồn vốn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Đền thờ này dựng lên như một minh chứng cho vai trò của vua Lý Thái Tổ với vùng đất Hoa Lư này và ngược lại.

Tuy nhiên khi ngôi đền đang xây dựng thì phải đình chỉ lại vì phát hiện được các di tích khảo cổ trong lòng đất.

Các đình làng trong Cố Đô Hoa Lư

Ngoài hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành thì nằm trong khuôn viên Cố Đô Hoa Lư còn có những ngôi đình làng cũng thờ 2 nhà vua thuộc 7 làng cổ của xã Trường Yên.

Đình Yên Thành nằm bên cạnh chùa Nhất Trụ nằm trong địa phận làng cổ Yên Thành. Đây chính là làng trung tâm nhất của cung điện Hoa Lư. Hai vị vua Đinh – Lê đều được phong làm thành hoàng làng và được thờ trong đình.

Cố Đô Hoa Lư đình Yên Thành
Trong đình Yên Thành

Làng Yên Thành mang vai trò trung tâm kết nối đường giao thông cũng như văn hóa với các làng lân cận nằm trong Hoa Lư tứ trấn. Đây là làng duy nhất ở xã Trường Yên chia thôn bằng biện pháp cổ truyền theo phương hướng thành 4 thôn: Đông, Đoài, Nam, Bắc.

Đình Yên Trạch thờ thành hoàng làng là vua Đinh Tiên Hoàng. Làng cổ Yên Trạch nằm cách trung tâm cố đô 2km.

Đình được xây dựng mặt hướng Đông Bắc, nhìn ra dãy núi Bên Bến. Mạn phải là núi Sách Sẻ cheo leo còn xa xa mạn trái thì có núi Rùa, tạo thế núi chống đỡ với trời cao. Mặt trước đình có sông Phúc Hầu là một nhánh nhỏ của sông Hoàng Long, vòng qua núi Đông Lâm và chảy về phía mạn phải của đình.

Ngoài ra trong khuôn viên Cố Đô Hoa Lư còn có Đình Yên Hạ thờ vua Lê Đại Hành và một số đình làng khác đã bị tàn phá nặng nề hoặc phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh và đang có kế hoạch phục dựng lại như đình làng Yên Trung, Yên Thượng, Chi Phong, Lạc Hối.

 | Khám phá Tam Cốc Bích Động Ninh Bình – “Nam thiên đệ nhị động”

Các chùa cổ trong Cố Đô Hoa Lư

Kể từ khi không còn là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành chuyển mình trở thành một trung tâm Phật giáo.

Ngay từ thế kỉ X, nhiều thư tịch đã ghi chép được sự phát triển Phật giáo vượt bậc ở nơi đây. Khi ấy ở Hoa Lư đã có một hệ thống chùa khá lớn bao gồm chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, …

Cố Đô Hoa Lư chùa Am Tiên
Đường lên chùa Am Tiên

Lí giải cho sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật tại nơi đây, các tài liệu chính sử ghi chép lại rằng chính vua Đinh Tiên Hoàng là gom công rất lớn. Nhà vua là người đầu tiên đặt ra chức tăng thống phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên được ông công nhận chính là Khuông Việt.

Nét độc đáo của chùa chiền nơi đây chính là đa phần được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi hoặc tận dụng luôn núi đá làm chùa như các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc, …

Bảo vật quốc gia trong Cố Đô Hoa Lư

Ngoài những công trình, di tích lịch sử quan trọng thì Cố Đô Hoa Lư còn lưu giữ 2 bảo vật quốc gia được thủ tướng chính phủ công nhận là Cột kinh Phật tại chùa Nhất trụ và Long sàng trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Cố Đô Hoa Lư cột kinh phật
Cột kinh Phật được đặt giữa trung tâm của Chùa Nhất Trụ

Long sàng trong đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là hai chiếc sập đá được đặt trước Nghi môn ngoại và Bái đường của Đền. Đây là một minh chứng vô cùng quan trọng đại diện cho nền mĩ thuật Việt thế kỉ X.

    Cột kinh Phật tại chùa Nhất trụ được dựng từ thế kỉ X và đến giờ vẫn còn vẹn nguyên. Cột kinh Phật là một dấu ấn lịch sử thể hiện sự phát triển rực rỡ của đạo Phật tại Việt Nam

Dấu tích còn sót lại của kinh thành Cố Đô Hoa Lư

Đàn Kính Thiên là một trong những dấu tích quan trọng còn sót lại của kinh thành Cố Đô Hoa Lư. Đàn có có tên khác là Đàn Tế Trời bởi nơi đây thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các vị quan trên thiên đình khác như Nam Tào, Bắc Đẩu, … Đây cũng là nơi nhà vua tổ chức các nghi lễ tế cáo trời đất và cầu cho quốc thái dân an.

Ngoài ra bạn có thể thăm quan các đoạn thành được đắp nối tiếp rải rác trên địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành và Chi Phong.

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here